Máy tính và con người cũng có sự tương đồng, đó là sự lão hóa theo thời gian, máy tính sẽ chậm dần đi trong quá trình sử dụng của mỗi người
Quá trình lão hóa này bắt đầu diễn ra vào khoảng năm thứ 2 kể từ khi máy tính được mua mới, nhưng cũng tùy thuộc vào cách thức và thời lượng sử dụng của người dùng mà quy trình lão hóa này diễn ra sớm hơn hay chậm hơn. Vậy nguyên nhân chủ yếu khiến cho thiết bị máy tính chạy chậm dần đi theo thời gian là do đâu?
1. Dung lượng ổ cứng đầy.
Dung lượng ổ cứng đầy
Có thể dễ dàng nhận thấy mỗi chiếc máy tính khi mới mua về đều chạy rất nhanh, lý do chủ yếu là vì bên trong thiết bị chưa có bất kì phần mềm hay những ứng dụng nào cả. Càng sử dụng nhiều, máy tính của chúng ta càng sản sinh ra một lượng không nhỏ dữ liệu đệm, những dữ liệu đệm này được tạo nên với mục đích ghi chú hoạt động của ứng dụng cũng như cải thiện tốc độ duyệt web trong tương lai... mặc dù hành động này rất tốt với bạn nhưng nó đang chiếm hữu một phần ổ cứng. Hãy dọn dẹp ổ cứng thường xuyên để dữ dung lượng trống trên 50%, khi đó máy tính sẽ luôn hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra những hoạt động như dùng máy quá lâu, hết pin thường xuyên, điện áp không ổn định và hệ điều hành tự động chậm đi cũng là những yếu tố lớn góp phần làm chậm tốc độ máy tính. Tuy nhiên, hai vấn đề lớn nhất mà đại đa số người dùng gặp phải chính là không đủ RAM cũng như dung lượng ổ cứng còn quá ít khiến tốc độ giảm đáng kể.
2. RAM không đủ.
Ram không đủ
Thiếu RAM dẫn tới các hoạt động trong máy tính không được điều phối hợp lý, các phần mềm hoạt động chậm và tình trạng màn hình xanh ở những người dùng Windows có thể thường xuyên diễn ra chỉ vì vấn đề này. Thế nhưng nếu như bạn có thừa RAM và các hoạt động bên trong máy tính vẫn diễn ra rất... lề mề thì có lẽ bạn nên xem xét tới việc cài đặt lại hệ điều hành cho thiết bị của mình.
3. Ổ cứng
Ổ cứng lão hóa
Thêm vào đó, việc sử dụng ổ cứng lâu ngày cũng khiến tốc độ đọc ghi giảm đáng kể, điều này thể hiện rõ rệt với ổ cứng dạng HDD. Sử dụng vòng quay để đọc dữ liệu nên ổ HDD không thể hoạt động mãi mãi, tùy thuộc vào thiết kế của ổ cứng mà nó có thể dừng hoạt động bất kì lúc nào. Điều này làm ảnh hướng không chỉ tới việc sử dụng hàng ngày mà còn làm mất một lượng dữ liệu lớn bên trong máy. Chính vì vậy, bạn nên xem xét trang bị thêm một ổ cứng SSD để cài đặt hệ điều hành cũng như những ứng dụng thường dùng còn ổ HDD được sử dụng với mục đích lưu trữ.
4. Virus
Virus máy tính
Nhiều người nghĩ rằng virus chỉ xâm nhập để đánh cắp thông tin người dùng cũng như làm những hoạt động mờ ám khác. Tuy nhiên, virus hoạt động như một công cụ điều hướng bên trong máy tính, chúng sẽ tấn công và thay đổi một vài tùy chỉnh khiến cho hoạt động máy tính không ổn định dẫn tới tốc độ ngày một chậm hơn. Vì vậy, hãy quét virus thường xuyên bằng các phần mềm diệt virus danh tiếng hoặc có những biện pháp đóng băng máy tính để đảm bảo thiết bị luôn "sạch".
Quá trình lão hóa của máy tính là một điều hết sức bình thường, những việc chúng ta làm chỉ để kéo dài thời gian sử dụng máy tính. Mỗi chiếc máy tính đều có một niên hạn sử dụng nhất định và cần được thay thế sau một khoảng thời gian sử dụng. Nếu như bạn không phải là người có quá nhiều điều kiện để thay đổi máy mới, việc bảo trì cũng như chăm sóc thiết bị hiện tại là điều nên làm.
Tham khảo: Kenh14.vn